Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

BaoHiemHealthCare.com: Thông tin chung về bệnh ung thư dạ dày.

Thông tin chung về bệnh ung thư dạ dày.
Ảnh minh họa
Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là ung thư phát xuất từ niêm mạc dạ dày. Bệnh thường không có triệu chứng cho đến khi đã phát triển đến giai đoạn trể. Thường thì khi được chẩn đoán, tiên lượng rất xấu.
Đa số các trường hợp ung thư dạ dày xảy ra ở người trên 60 tuổi, hiếm khi xảy ra trước tuổi 50, và thường xảy ra ở đàn ông hơn là ở phụ nữ. Theo một nghiên cứu trên người Việt Nam ở California, đây là ung thư thường gặp đứng hàng thứ năm ở đàn ông Việt Nam.
Triệu chứng.
Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày không có triệu chứng gì cả. Khi xảy ra, các triệu chứng có thể rất mơ hồ. Các triệu chứng này cũng thường gặp ở những người bị loét dạ dày, viêm dạ dày hoặc các bệnh dạ dày khác.
Các triệu chứng thường gặp nhất là đầy bụng sau khi ăn, buồn nôn, chán ăn, khó tiêu, tiêu chảy và táo bón. Các triệu chứng khác có thể là sụt cân, nôn hoặc tiểu ra máu, hoặc đi cầu phân đen.
Tuỳ theo mức độ tiến triển của bệnh vào lúc chẩn đoán, tiên lượng của ung thư dạ dày có thể khác nhau. Nếu phát hiện sớm, trước khi ung thư xâm lấn qua lớp niêm mạc, khả năng chữa khỏi sẽ cao hơn, tuy nhiên kết quả điều trị có thể rất khác nhau ở các bệnh nhân khác nhau. Nói chung tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 50 phần trăm, tuy nhiên chỉ có khoảng 10 đến 20 phần trăm các bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm này.

Tỉ lệ sống sót năm năm của ung thư dạ dày, nói chung chỉ là 21 phần trăm.
Chẩn đoán.
Nếu có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày, xét nghiệm rẻ tiền đầu tiên bác sĩ có thể thực hiện là thử máu vi thể trong phân, nếu kết quả dương tính (có vẻ như có máu trong phân), sẽ tiến sang các bước kế tiếp. Dù kết quả đầu tiên âm tính, nhưng nếu nghi ngờ, bác sĩ vẫn tiến sang bước kế tiếp.
Bước kế tiếp sẽ là soi bao tử hoặc chụp hình bao tử với thuốc cản quang.
Bao tử được soi bằng cách đưa một ống có gắn ống kính thu hình qua miệng, xuống bao tử để quan sát xem có gì bất thường hay không, dụng cụ này có thể lấy một số mô nghi ngờ để coi dưới kính hiển vi cũng như làm các xét nghiệm nhằm chẩn đoán ung thư khác.
Trong chụp hình với chất cản quang, bệnh nhân sẽ được cho uống chất cản quang nhằm chụp lớp niêm mạc bao tử xem có u bướu, loét hay bất thường gì khác hay không. Nếu có bất thường, bệnh nhân lại sẽ cần phải được soi bao tử để lấy tế bào ra xem xét (gọi là sinh thiết).
Chẩn đoán xác định thường được thực hiện bằng sinh thiết.
Cho tới nay, vẫn chưa có cách thật hiệu quả để truy tầm ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm.
Điều trị
Ba phương pháp thường dùng nhất là phẫu thuật, hoá trị và xạ trị.
Phẫu thuật thường chỉ có thể áp dụng ở giai đoạn sớm nhằm cắt bỏ một phần hay toàn bộ bao tử cũng như các phần hạch lân cận. Đây là phương pháp duy nhất có thể giúp chữa khỏi bệnh ở giai đoạn sớm.
Hoá và xạ trị thường dùng hỗ trợ nhằm giảm triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh. Chúng có thể được dùng riêng rẽ hay kết hợp với nhau. Điều không may là bên cạnh các tế bào ung thư, chúng cũng hủy hoại các tế bào lành mạnh và gây ra các triệu chứng phụ, do đó bệnh nhân cũng thường cần phải được điều trị cho các triệu chứng gây ra bởi việc điều trị.
Tóm lại, nói chung, nếu khó chịu hay đau bao tử nhẹ, ta có thể thử tự chữa bằng các thuốc không cần toa trong một thời gian ngắn. Nếu sau một, hai tuần vẫn không khỏi, nên đi bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp, nếu vẫn không khỏi sau một thời gian, bác sĩ gia đình sẽ cần phải gởi đi các bác sĩ chuyên về đường ruột để có các phương pháp chẩn đoán tinh vi hơn. 
Các nguy cơ cuả ung thư dạ dày ?
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày là:
- Chế độ ăn có nhiều thực phẩm ngâm, ướp muối, hun khói
- Hút thuốc
- Béo phì
- Uống rượu nhiều hơn mức vừa phải (một đến hai lon bia hay chung rượu vang nhỏ mỗi ngày)
- Có tiền sử bệnh viêm, loét, hoặc mổ dạ dày
- Có người thân bị ung thư dạ dày
- Bị nhiễm vi trùng Helicobacter pylori
Cách phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày?
Ta có thể giảm nguy cơ ung thư dạ dày bằng cách:
- Dùng thức ăn tươi, đặc biệt là rau quả tươi
- Giữ cân nặng vừa phải
- Tránh thức ăn ngâm, hun khói, ướp muối, lên men, cũng như các loại thức ăn được chế biến để giữ lâu khác
- Tránh thuốc lá
- Tránh uống rượu quá mức.
- Nên đi khám bệnh sớm nếu bị bệnh bao tử để có thể được điều trị thích hợp và phát hiện bệnh ở giai đoạn có thể chữa khỏi được
(Thông tin trên chỉ mang tính tham khảo).
Theo http://vietsciences.free.fr.