(Dân trí) - Thời tiết giá lạnh vào mùa đông khiến chúng ta thường có tâm lý lo lắng cho sức khỏe nhiều hơn so với các thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, đây có thực sự là thời điểm khiến bạn phải quá căng thẳng về tình trạng sức khỏe của mình hay không?
Dưới đây là những quan niệm sai lầm về sức khỏe thường gặp trong mùa đông.
1. “Bị cảm lạnh do ở ngoài trời quá lâu”
Chắc chắn tất cả chúng
ta đều không hề xa lạ với cảnh báo rằng ở ngoài trời quá lâu trong tiết
trời lạnh giá sẽ khiến chúng ta dễ “bị” cảm lạnh.
Tuy nhiên, Bác sỹ
D.J.Verret, chuyên khoa Tai-Mũi-Họng đến từ Dallas (Mỹ) đã khẳng định
quan điểm này là hoàn toàn sai lầm: “Thực tế là thời tiết giá lạnh không
liên quan gì tới nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh. Nguyên nhân gây cảm lạnh là
do vi rút hoặc vi khuẩn - thường xuất hiện nhiều hơn vào mùa đông - lây
truyền từ người này qua người khác do tiếp xúc gần gũi khi ở trong
nhà”.
Chính vì thế, dành nhiều thời gian ở ngoài sẽ giúp chúng ta giảm nguy cơ tiếp xúc với các mầm bệnh khó chịu này hơn.
2. “Nhiều người bị trầm cảm hơn trong mùa đông”
Bầu trời xám xịt và ảm
đạm với sự lạnh giá có vẻ như là những nguyên nhân khá hợp lý khiến bệnh
trầm cảm có khả năng đạt đỉnh điểm trong những tháng mùa đông. Tuy
nhiên, các chuyên gia về sức khỏe thì cho rằng giả thuyết đó chỉ hoàn
toàn là….tưởng tượng.
“Trái ngược với những
gì mà mọi người vẫn tưởng, mùa đông không phải là thời điểm mà bệnh trầm
cảm hoành hành nhiều hơn so với các mùa còn lại”, BS John Sharp, Giáo
sư tại Đại học Harvard (Mỹ) cho biết.
Vào mùa đông, có thể
một số người hay gặp phải triệu chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD)
với những triệu chứng khá giống với trầm cảm như khó chịu, mất ngủ và
mất tập trung. Nếu bạn mắc phải chứng bệnh này hoặc thậm chí chỉ là cảm
thấy thiếu năng lượng hơn trong giai đoạn này thì hãy thử dùng liệu pháp
ánh sáng. Với liệu pháp này, chúng ta có thể tiếp xúc với ánh nắng mặt
trời hoặc ánh sáng nhân tạo với cường độ ánh sáng tối thiểu là 10.000
lux (đơn vị đo ánh sáng) trong thời gian khoảng 20 phút mỗi ngày. Điều
đó sẽ giúp chúng ta thấy tinh thần phấn chấn hơn rất nhiều trong mùa
đông, kể cả với những người không bị chứng SAD.
3. “Phần lớn nhiệt lượng cơ thể bị thoát ra qua đầu”
Chính vì quan niệm này
mà chúng ta thường vô cùng lo lắng mỗi khi ra ngoài trời lạnh mà quên
mang mũ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, theo BS
Sharp thì “Đây chỉ là chuyện hoang tưởng”. Thực sự là nhiệt lượng của cơ
thể sẽ bị mất đi do bất kỳ bộ phận nào của cơ tiếp xúc trực tiếp với
khí lạnh mà không được bảo vệ bằng quần áo hoặc khăn ấm. Chính vì thế,
nếu bạn có chẳng may quên đội mũ thì nó “cũng không phải là rủi ro quá
lớn cho sức khỏe”.
Tóm lại, chắc chắn sẽ
an toàn hơn nếu bạn đội mũ khi ra ngoài trời lạnh. Nhưng nếu bạn không
may để quên mũ ở nhà thì cũng đừng quá lo lắng nếu bạn vẫn mang đủ quần
áo, khăn và giày ấm áp.
4. “Không nên tập thể dục vào mùa đông”
Trời lạnh có thể khiến
chúng ta ngại ngần mỗi khi nghĩ đến việc chui ra khỏi chăn ấm để tập thể
dục. Ngoài ra, quan niệm “tập thể dục vào mùa đông có thể gây hại cho
sức khỏe” mà chúng ta vẫn nghe nhiều người nói từ trước tới nay càng
khiến mọi động lực tan biến.
Tuy nhiên, hãy thay đổi
quan điểm của bạn về vấn đề này vì “tập thể dục khi trời lạnh hoàn toàn
tốt cho sức khỏe”, BS Sharp chia sẻ.
Điều chúng ta cần lưu ý
khi tập thể dục trong mùa đông là “cần khởi động để làm ấm cơ thể trước
khi bước ra trời lạnh”, ví dụ như đi bộ một lát trước khi bắt đầu chạy
nhanh… vì việc gắng sức một cách đột ngột khi trời lạnh có thể nguy hiểm
cho tim mạch. Và với những ai có tiền sử bệnh tim thì cần hỏi ý kiến
của bác sỹ trước khi bắt đầu chế độ tập luyện cho mùa đông.
5. “Cần ngủ nhiều hơn vào mùa đông”
Khi mùa đông đến với
thời tiết giá lạnh và sự vắng bóng của ánh nắng mặt trời khiến ý tưởng
“ngủ đông” nghe thập hấp dẫn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên
ngủ nhiều hơn trong mùa đông.
“Mặc dù mong muốn được
tận hưởng sự ấm áp và dễ chịu khi nằm trên giường là điều khá tự nhiên
nhưng về mặt khoa học thì chúng ta thực sự không cần ngủ nhiều hơn”, BS
Sharp chia sẻ. Thực ra không có gì sai lầm nếu chúng ta đi ngủ sớm hơn, nhưng hãy lưu ý đừng ngủ quá nhiều.
“Một vài người nhận
thấy khi họ ngủ nhiều hơn vào ban đêm thì ban ngày họ lại càng buồn ngủ
hơn và thậm chí là hơi choáng váng một chút”.
6. “Không cần dùng kem chống nắng vào mùa đông”
Nếu bạn vẫn nghĩ rằng do trời lạnh và đầy mây mù nên việc dùng kem chống nắng hoàn toàn không cần thiết thì bạn đã nhầm.
Bà Debra Jaliman, Bác sỹ chuyên khoa da liễu đến từ New York
(Mỹ ) cho biết: “Mặt trời với các tia cực tím UV vẫn luôn hiện diện
quanh năm dù chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường. Chính vì thế, dù
là trong mùa đông thì chúng ta vẫn nên dùng kem chống nắng với độ chống
nắng SPF 30”.
7. “Da khô trong mùa đông chỉ là chút phiền toái nhỏ”
Hiện tượng ngứa và bong
tróc da có thể là một vấn đề thường gặp vào mùa đông. Nhưng bạn cũng
không nên coi nhẹ hiện tượng này. Theo BS. Jaliman, tình trạng da khô,
nếu không cẩn thận, có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng: “ Khi da bị
khô sẽ có thể làm xuất hiện các vết nứt nhỏ khiến cơ thể có nguy cơ bị
nhiễm trùng. Chính vì thế, việc giữ ẩm cho da là điều hết sức quan
trọng”. Để làn da luôn mềm mại, hãy dưỡng ẩm cho da hai lần mỗi ngày -
sau khi tắm và trước khi đi ngủ.
Anh Khôi
Theo MSN